A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

20 năm đưa tín dụng chính sách vào cuộc sống

Ngay từ khi đưa vào triển khai thực hiện năm 2002, Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 40/2014, Kết luận số 06/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, các cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn Thành phố đã nhận thức rõ trách nhiệm đối với việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ đã đi vào cuộc sống và trở thành công cụ đắc lực, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn Thành phố có nhu cầu, đủ điều kiện được 
tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi thuận lợi, kịp thời

Trong hành trình là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến được với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có sự đồng hành, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị - xã hội Thành phố. Qua 20 năm, nguồn vốn cho vay trên địa bàn Thành phố đã tăng gấp 6,4 lần, cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch tích cực, giảm nguồn vốn từ trung ương, tăng nguồn vốn huy động thị trường và nguồn vốn ủy thác đầu tư của địa phương. UBND Thành phố đã cân đối ngân sách chuyển trên 4,3 tỷ đồng ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng với đó, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố có sự bổ sung 19 thành viên là Chủ tịch UBND các xã, phường đã nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, nhất là trong việc tổ chức chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc triển khai tín dụng chính sách tại cơ sở. Ông Nguyễn Thế Huyền, Chủ tịch UBND xã Vũ Đông cho biết: UBND xã hàng tháng tham dự họp giao ban cùng với NHCSXH, Hội, đoàn thể xã, Tổ TK&VV vào ngày giao dịch tại địa phương, qua đó nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc để có chỉ đạo tháo gỡ. Chúng tôi cũng tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện các nội dung công việc được ủy thác của Hội, đoàn thể xã; chỉ đạo các Hội, đoàn thể cho vay đúng đối tượng; đôn đốc hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả; thu hồi vốn, lãi đúng thời gian quy định. Đối tượng vay vốn, mức tiền vay đều được tiến hành bình xét công khai, dân chủ.

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay trên địa bàn Thành phố đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách. Hiện 11 chương trình đang có dư nợ với trên 4.200 khách hàng vay vốn, tổng dư nợ đạt trên 179,6 tỷ đồng, tăng trên 156,4 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 7,8%. Trong 20 năm qua,  ngân hàng Chính sách xã hội đã cho trên 71.400 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa bàn Thành phố vay vốn, doanh số cho vay đạt gần 862 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 682 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho gần 6.700 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho gần 13.300 lao động; trên 7.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 17.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 83 ngôi nhà cho hộ nghèo; và góp phần phục hồi, phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố từ 10% năm 2003 xuống còn 1,19% năm 2021. Bên cạnh đó còn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người dân được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức. Ông Phạm Văn Đức, thôn Nam Hiệp Trung xã Đông Hòa là một trong những khách hàng quen thuộc của Ngân hàng chính sách xã hội. Hơn 10 năm qua, từ khi biết đến chính sách tín dụng ưu đãi, ông đã nhiều lần vay vốn chương trình giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng/lần để đầu tư mở rộng xưởng sản xuất đồ gỗ và phát triển chăn nuôi lợn, gà. Ông chia sẻ: Nhờ nguồn vốn của NHCSXH mà gia đình đã mở rộng được sản xuất và có thu nhập, trả công cho người lao động, phát triển kinh tế gia đình ngày một khá giả hơn và tạo công ăn việc làm cho từ 2 - 3 lao động. Gia đình cũng thực hiện đúng cam kết với NHCSXH, trả lãi hàng tháng và trả gốc đúng kỳ hạn, đồng thời cũng gửi tiết kiệm hàng tháng theo đúng quy định.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn chính sách đặc thù, hiệu quả thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Thành phố nhận ủy thác cho vay trực tiếp cùng một số nội dung công việc. Tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chiếm 99,6% tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại Thành phố. 170 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động trực thuộc quản lý của 4 tổ chức, cùng với 19 Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các phường, xã đã phát huy vai trò trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo thuận lợi, công khai, minh bạch, dân chủ. Chị Bùi Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Xuân chia sẻ: Chúng tôi phân công một đồng chí trong BTV Hội Phụ nữ xã trực tiếp phụ trách mảng quản lý vay vốn và nắm bắt tình hình thực tế từ cơ sở để đề xuất những biện pháp giải quyết kịp thời. Chúng tôi cũng chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho Ban quản lý các Tổ TK&VV để nâng cao trình độ quản lý vốn vay. Bám sát chỉ tiêu hàng năm giao về tỷ lệ giảm nghèo của địa phương để có chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đến nay, việc quản lý vốn của Hội Phụ nữ xã chúng tôi không có tình trạng nợ quá hạn, nợ đọng; 100% hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, trả lãi và gốc đúng kỳ hạn.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách; đảm bảo nguồn vốn được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Gắn việc triển khai tín dụng chính sách với chủ trương, định hướng của từng địa phương về chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tập trung ưu tiên vốn đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng như quan tâm đầu tư vốn cho các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động trên địa bàn.


Tác giả: PV: Mai Hiền
Nguồn:thành phố Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liên kết website