Thành phố: 20 năm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
Sáng ngày 18/7, UBND thành phố Thái Bình tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 ngày 4/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn Thành phố
.jpg)
Trong 20 năm qua, tại địa bàn thành phố Thái Bình đã tập trung nguồn lực qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay được trên 71.400 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt gần 862 tỷ đồng. Tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30/6/2022 đạt trên 179,6 tỷ đồng với trên 4.200 hộ vay vốn, tăng trên 156,4 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 7,8%. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho gần 6.700 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho gần 13.300 lao động; trên 7.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 17.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 83 ngôi nhà cho hộ nghèo… Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố giảm còn 1,19%.
Giai đoạn 2021 – 2030, thành phố Thái Bình sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực và tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, bảo đảm cung cấp dịch vụ đến 100% người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn. Phấn đấu tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm từ 7 - 8%; tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%; hiệu suất sử dụng vốn đạt 99%; tỷ lệ nợ xấu dưới 0,2%.
Nhân dịp này, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, UBND thành phố Thái Bình đã khen thưởng 39 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ trên địa bàn Thành phố.