A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn luôn được UBND thành phố quan tâm, chú trọng đặc biệt. Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2023 thời tiết, khí hậu tiếp tục có biến đổi bất thường; các hiện tượng thời tiết cực đoạn như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lụt... có xu hướng gia tăng cả về tần suất và cường độ. Trước tình hình đó, UBND thành phố đã chủ động triển khai sớm, đồng bộ các nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, nhằm bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, chống úng lụt, với mục tiêu ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân

UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đơn vị, địa phương chủ động chuẩn bị sớm và đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chú trọng bảo vệ an toàn hệ thống đê sông Trà Lý; tích cực, chủ động đề phòng những đợt lũ lớn, những cơn bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào địa bàn và có phương án đối phó với trường hợp bất lợi nhất - lũ, bão trùng hợp xảy ra. Chủ động phòng tránh và tiêu úng cho lúa, cây màu, vùng nuôi thủy sản và các khu - cụm công nghiệp, khu vực dân cư, đô thị ở mức cao nhất. Quán triệt sâu sắc đến cán bộ và các tầng lớp nhân dân nắm vững phương châm 4 tại chỗ để chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, nhằm giảm thiêt hại đến mức thấp nhất khi thiên tai xảy ra. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Trước mùa lũ bão, phòng Kinh tế đã tham mưu cho UBND thành phố kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai; chỉ đạo các địa phương, đơn vị chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện sự cố, đảm bảo an toàn công trình đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu. Tổ chức thường trực theo quy định, thường xuyên báo cáo kết quả về UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố để kịp thời chỉ đạo. Phòng Kinh tế cũng tham mưu cho UBND thành phố, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức giải phóng dòng chảy tại các tuyến sông, khơi thông hệ thống thoát nước đô thị; la tỉa, chằng chống cây xanh đô thị; triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống điện chiếu sáng, trang trí đô thị...

Theo đúng kế hoạch, UBND các phường, xã đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tổng cộng xung kích 1.360 người, tiếp vận 2.140 người, giao thông hỏa tốc 57 người, y tế 57 người, cùng các vật tư, phương tiện khác như tre, bao tải, bó rào, bạt, đất, xe thồ, xích lô, xe tải 3 - 5 tấn, thuyền vận tải, máy phát điện, loa cầm tay. Các xã, phường có đê đã bố trí lực lượng canh gác đê theo quy định. Các địa phương đã phối hợp các phòng, đơn vị của thành phố kiểm tra, rà soát, thống kê nhà yếu, nhà tạm, xây dựng phương án di dời, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân đang sinh sống trong các khu vực không an toàn. Kiểm tra hệ thống sông, hệ thống thoát nước trong khu dân cư, khu đô thị, tổ chức khơi thông, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng. Ông Vũ Tuấn Long, Chủ tịch UBND phường Kỳ Bá cho biết: UBND phường Kỳ Bá đã thành lập 3 Tiểu ban PCTT và TKCN năm 2023, gồm Tiểu ban tiền phương, Tiểu ban hậu phương và Tiểu ban Nhất Thanh. Đặc biệt Tiểu ban Nhất Thanh là để lập phương án di dời gần 50 hộ dân ở ngoài bãi sông khi có mưa lũ. Đồng thời chúng tôi cũng triển khai xây dựng kế hoạch, các phương án PCTT ở trong khu dân cư của 22 tổ dân phố trên địa bàn và các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Chủ động hợp đồng các vật tư, phương tiện liên quan đến công tác PCTT và TKCN theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cũng như UBND thành phố.

Thành phố có 21,9km đê Trà Lý đi qua, trong đó có 2 trọng điểm đê, kè xung yếu gồm kè Vũ Đông 1, xã Vũ Đông và đê, kè Sa Cát, phường Hoàng Diệu. Thời gian qua, thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình xử lý một số tuyến kè sạt lở và cứng hóa mặt đê tại những điểm xung yếu; kè chỉnh trang mái đê, cứng hóa mặt đê tại một số đoạn đê. UBND Thành phố chỉ đạo thường xuyên kiểm tra đê, kè, cống; phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời những hư hỏng của công trình; theo dõi, cắm cờ dự phòng; xây dựng kế hoạch tu bổ công trình đê điều. Đồng thời chỉ đạo các địa phương, các ngành tăng cường công tác quản lý đê điều, xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi. Các phòng, ban, đơn vị, địa phương liên quan của thành phố đã và đang tiếp tục tích cực thực hiện di dời, giải tỏa các điểm sử dụng bến bãi ven sông Trà Lý, bảo đảm an toàn công trình đê điều và thực hiện Đề án di chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh; trụ sở cơ quan, đơn vị và một số điểm dân cư khu vực ven sông Trà Lý thuộc địa bàn thành phố để phát triển đô thị. Bà Lưu Thị Hợp, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều thành phố cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu mùa chống lụt bão Hạt Quản lý đê điều thành phố phối hợp với UBND thành phố tiến hành đi kiểm tra, đánh giá các công trình đê điều, làm cơ sở để xây dựng các phương án trọng điểm xung yếu. Đến thời điểm này, UBND thành phố cũng đã giao phương án trọng điểm cho các địa phương có trọng điểm xung yếu để sẵn sàng chuẩn bị vật tư, nhân lực để ứng phó khi bão, lũ xảy ra. Sắp tới, UBND thành phố cũn đã lên lịch đi kiểm tra, thanh tra công tác chuẩn bị vật tư phòng chống lụt bão, tránh tình trạng chỉ có giấy tờ, không có thực tế. Đồng thời đôn đốc các địa phương chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ cho tốt.

Qua các năm, các công trình cống, đập, trạm bơm tiêu đã cơ bản được tu bổ, sửa chữa, sẵn sàng phục vụ tiêu úng khi có yêu cầu. UBND thành phố yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thành phố tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa các bộ phận đóng mở cống qua đê và các cánh phai dự phòng thuộc đơn vị quản lý, chấp hành nghiêm quy trình vận hành các cống qua đê trong mùa lũ, bão. Bên cạnh đó các phòng, ban, đơn vị đã xây dựng phương án bảo vệ các công trình trọng điểm, tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn khi thiên tai xảy ra; phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; đảm bảo cung cấp điện đầy đủ cho các hoạt động phòng chống thiên tai; đảm bảo an toàn trên các công trình đang thi công; chuẩn bị phương tiện, lực lượng khắc phục hậu quả sau lũ, bão, thiên tai đảm bảo giao thông thông suốt, vệ sinh môi trường trên địa bàn...

Việc chủ động chuẩn bị và thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẽ là yếu tố cơ bản đảm bảo đối phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra. Quan trọng hơn, mỗi cán bộ và nhân dân cần nhận thức rõ về nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chống tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác; phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với thiên tai; hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp công sức vào việc củng cố, tu bổ, bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.


Tác giả: PV: Mai Hiền
Nguồn:thành phố Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liên kết website