Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách ở Thành phố
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình đã đồng hành và là điểm tựa vững chắc cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững. Bước sang năm 2023, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh đã tích cực triển khai những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động ngay từ những tháng đầu năm; để nguồn vốn chính sách ưu đãi tiếp tục phát huy hiệu quả, là đòn bẩy, nhân tố quan trọng trong quá trình phục hồi, thúc đẩy sản xuất, góp phần giúp kinh tế địa phương phát triển và đảm bảo an sinh xã hội
.jpg)
Là cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, nhiều năm nay, ông Đào Văn Nhật ở tổ 8, phường Tiền Phong cùng vợ cố gắng, nỗ lực gây dựng, duy trì trang trại chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, ông có 7 sào ao nuôi các loại cá trắm, cá chép, cá mè, cá rô phi... và một đàn lợn với 9 con lợn thịt, 6 con lợn nái và 9 con lợn con; ngoài ra ông còn nuôi thêm gà, vịt, chó. Nhờ được Hội Cựu chiến binh phường kết nối, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông đã vay 70 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ việc làm và được hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị quyết số 11/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với số vốn vay với lãi suất ưu đãi, ông đầu tư cải tạo ao, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại cho thông thoáng, đảm bảo vệ sinh môi trường, để tiếp tục phát triển, mở rộng chăn nuôi, sản xuất. Ông Đào Văn Nhật chia sẻ: " Nhờ được vốn vay để làm lại khu vực trang trại, thì thu nhập sẽ nâng lên, cải thiện hơn nữa đời sống gia đình. Riêng vốn này được Nhà nước cho vay thì chúng tôi chấp hành nghiêm quy định, hàng tháng tôi trả lãi và trả gốc đúng thời hạn"
Ông Nhật chỉ là một trong số hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được hưởng lợi từ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Thành phố. Đến cuối tháng 2/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt hơn 201,6 tỷ đồng, tăng gần 4,2 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022 với hơn 4.500 khách hàng đang vay vốn. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,25% tổng dư nợ. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh đã triển khai cho vay các nguồn vốn giao; phối hợp với UBND các xã, phường, các tổ chức Hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt năm 2022 có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để ưu tiên nguồn vốn giải ngân kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt tập trung thực hiện giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Để triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác trên địa bàn. Theo đó, Ngân hàng tiếp tục thường xuyên phối hợp với các Hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng về tổ chức và hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Tăng cường huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn và tiết kiệm tại điểm giao dịch xã, phường. Trong suốt 25 năm qua, tổ tiết kiệm và vay vốn số 6, Hội Cựu chiến binh phường Tiền Phong do bà Lê Thị Yên làm tổ trưởng hầu như không có trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, không có nợ quá hạn. Bà Lê Thị Yên cho biết:" Chúng tôi cũng tuyên truyền về vốn vay, từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; giải quyết việc làm. Để kết quả vay vốn được tốt, chúng tôi cũng làm công tác tuyên truyền và đi đến từng hộ gia đình, tất cả các đối tượng được vay để kiểm tra sát sao, cụ thể, nhắc nhở sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đúng theo yêu cầu của Nhà nước, ngân hàng"
Năm 2023, chỉ tiêu tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Thành phố tăng trưởng khoảng hơn 51 tỷ đồng, tăng 28,8% so với năm 2022. Trong đó tập trung chủ yếu vào các chương trình: cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm; cho vay nhà ở xã hội; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay học sinh, sinh viên. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho HĐND và UBND Thành phố điều chuyển từ nguồn vốn địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tiếp tục bám sát đôn đốc thu hồi nợ đến hạn năm 2023; phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền các địa phương đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, xử lý các món vay quá hạn phát sinh. Thực hiện tốt việc giám sát từ xa đối với các món vay có nguy cơ chuyển nợ quá hạn, để có biện pháp kịp thời, hạn chế mức thấp nhất nợ quá hạn mới phát sinh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến tín dụng chính sách để chính quyền địa phương, các tổ chức Hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn và nhân dân cùng nắm bắt, tổ chức thực hiện. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng và chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.